Hướng dẫn bảo dưỡng sửa chữa máy biến áp
Máy biến áp là thiết bị điện quan trọng trong đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người. Vì vậy, việc bảo dưỡng, thay thế linh kiện và các vật tư theo định kỳ là một việc làm cần thiết để đảm máy biến áp có độ bền cao, luôn hoạt động ổn định, và giúp chúng ta luôn an tâm mỗi khi sử dụng. Thiên Ân hướng dẫn bảo dưỡng sửa chữa máy biến áp, liệt kê một số nội dung kiểm tra định kỳ và xử lý một số lỗi hay gặp phải trong quá trình sử dụng.
1. Đảm bảo an toàn khi tiến hành bảo dưỡng sửa chữa máy biến áp
Hướng dẫn bảo dưỡng sửa chữa máy biến áp
Đây là việc quan trọng cần phải thực hiện nhằm tránh những tai nạn lao động, giảm thiểu tối đa những sự cố và rủi ro cho mọi người. Một số nội dung cần thực hiện để đảm bảo an toàn:
- Khi tiến hành bảo dưỡng và sửa chữa, máy biến điện áp phải được tách ra khỏi lưới điện cao áp, các aptomat thứ cấp của máy biến áp phải được để ở vị trí mở.
- Tất cả máy móc và thiết bị phải ngừng vận hành trong thời gian tiến hành bảo dưỡng và sửa chữa.
- Thông báo đến mọi người thời gian tiến hành bảo dưỡng và sửa chữa, nên có các biển báo như “Đang sửa chữa không được đóng điện”
- Kiểm tra đảm bảo máy ngừng hoạt động trước khi di dời hay mở nắp máy và các thiết bị bảo vệ
- Máy tránh xa các chất và nguyên liệu dễ cháy. Không sử dụng xăng dầu và các chất dễ cháy để vệ sinh máy
- Lắp lại nguyên vẹn các thiết bị bảo vệ và nắp máy khi hoàn thành bảo dưỡng
- Nếu thực hiện hàn điện trên bất kỳ bộ phận nào của máy thì phải làm theo chỉ dẫn
2. Bảo dưỡng định kỳ máy biến áp:
Trên thực tế, những chi phí sửa chữa do thiết bị hư hỏng đột ngột, thiệt hại do tuổi thọ máy giảm, thiệt hại về năng suất,… lớn hơn nhiều so với chi phí bảo trì nếu như phát hiện sớm và ngăn ngừa hỏng hóc xảy ra.
Việc kiểm tra định kỳ máy biến áp sẽ giúp chúng ta phát hiện những bất thường của máy từ đó dự đoán trước để ngăn chặn hỏng hóc và lỗi máy trước khi chúng xảy ra bằng cách thực hiện bảo trì thường xuyên được tiến hàng hàng tháng, 3 tháng hay 6 tháng một lần. Mục tiêu là ít hơn, thời gian ngắn hơn và có thể dự đoán được hóng hóc phải ngừng máy.
Hướng dẫn bảo dưỡng sửa chữa máy biến áp
a. Các nội dung kiểm tra định kỳ máy biến áp
- Kiểm tra bề mặt sứ cách điện, đầu sứ vào có bị rạn, nứt, bẩn hay chảy dầu không ?
- Kiểm tra vỏ MBA có nguyên vẹn và có bị rỉ dầu không ?
- Kiểm tra màu sắc, độ cách điện của dầu và mức dầu trong bình phụ, các sứ có dầu, áp lực dầu trong các sứ áp lực
- Kiểm tra trị số của nhiệt kế, áp kế
- Kiểm tra hệ thống làm mát và các trang bị tái sinh dầu liên tục
- Kiểm tra hoạt động của Rơle hơi, van an toàn, mặt kính ống phòng nổ, vị trí của van giữa rơle hơi và bình dầu phụ
- Kiểm tra các thiết bị báo tín hiệu
- Kiểm tra các đầu cáp, thanh dẫn, điểm nối, xem tiếp xúc có bị phát nóng không ?
- Kiểm tra hệ thống tiếp địa vỏ MBA, các bảo vệ
- Kiểm tra tiếng kêu của máy có bình thường không ?
- Kiểm tra màu sắc của hạt hút ẩm, nếu chuyển từ màu hồng sang màu vàng nhạt thì tiến hành thay thế hạt hút ẩm
- Kiểm tra tình trạng phòng đặt máy: cửa sổ, cửa ra vào, lỗ thông hơi, đèn chiếu sáng, lưới chắn
- Kiểm tra trang bị phòng chữa cháy
b. Tiểu tu định kỳ máy biến áp:
Là bảo dưỡng, sửa chữa MBA có cắt điện nhưng không tháo dầu và không mở ruột máy. Thời gian tiểu tu định kỳ có thể thực hiện 3 tháng hay 6 tháng một lần tùy thuộc vào điều kiện làm việc thực tế, tốt nhất nên thực hiện tiểu tu 3 tháng 1 lần
Tiểu tu MBA bao gồm các nội dung:
- Kiểm tra bên ngoài và sửa chữa các hư hỏng nhỏ có thể khắc phục được ngay.
- Vệ sinh vị trí đặt MBA, các bộ phận của MBA (cánh tản nhiệt, vỏ máy, sứ cách điện cao áp – hạ áp …).
- Kiểm tra và vệ sinh toàn bộ các Bulong liên kết, xiết lại các đai ốc.
- Lọc dầu bẩn của bình dầu phụ, bổ sung bình dầu phụ, thông rửa ống thủy, kiểm tra đồng hồ mức dầu.
- Kiểm tra màu sắc của hạt hút ẩm (nếu chuyển từ màu hồng sang màu vàng nhạt thì tiến hành thay thế hạt hút ẩm).
- Kiểm tra hoạt động và vệ sinh Rơle hơi, van an toàn, các thiết bị báo tín hiệu.
- Kiểm tra và vệ sinh hệ thống làm mát, thay thế mỡ các vòng bi động cơ của hệ thống làm mát.
- Kiểm tra các đầu dây tiếp địa vỏ MBA, các bảo vệ và chống sét, đảm bảo các liên kết phải chắc chắn không bị lỏng trong quá trình vận hành.
c. Đại tu định kỳ máy biến áp:
Là bảo dưỡng, kiểm tra sửa chữa toàn diện máy, có thể bao gồm cả sấy máy. Thời gian đại tu tùy thuộc vào hiệu suất làm việc và tình trạng máy.
Đại tu MBA bao gồm các nội dung:
- Tháo vỏ máy hoặc ruột máy ra khỏi vỏ.
- Kiểm tra, vệ sinh và bảo dưỡng các cuộn dây và gông từ, kể cả các bộ điều áp.
- Vệ sinh, bảo dưỡng bình dầu phụ, ống phòng nổ, các van, sứ đầu vào.
- Sửa chữa các thiết bị làm mát, bình hút ẩm.
- Vệ sinh và sơn lại vỏ máy (nếu cần).
- Kiểm tra các đồng hồ đo lường, hệ thống báo hiệu, Rơle bảo vệ.
- Sửa chữa các thiết bị nối với MBA.
- Lọc lại dầu hoặc thay mới dầu (nếu cần).
- Sấy lại ruột máy (nếu cần).
- Lắp lại máy.
- Cho máy vận hành thử và kiểm tra kết quả.
Trên đây là những nội dung về bảo dưỡng và sửa chữa máy biến áp cơ bản.
Các bạn có thể tham khảo và thực hiện bảo dưỡng sửa chữa máy biến áp cho gia đình và công ty theo hướng dẫn trên.
Nếu có nhu cầu về mua máy biến áp, bảo dưỡng sửa chữa máy biến áp quý khách vui lòng liên hệ theo địa chỉ bên dưới để được hỗ trợ